Tác phẩm romeo và juliet

      350

Romeo và Julietlà một trong những vở kịch bất hủ trên sân khấu quốc tế do William Shakespeare viết.

Bạn đang xem: Tác phẩm romeo và juliet

Cốt chuyện là tình yêu say đắm với kết cục bi thảm của hai người thuộc về hai dòng họ vốn đã thù hận nhau nhiều thế hệ. Có thể nóiRomeo và Julietlà vở kịch xuất sắc và nổi tiếng nhất của Shakespeare.


Cốt truyện

Ngày xưa, tại thành phố Verona của nước Ý có hai dòng họ Montague và Capulet vốn đã thù hận nhau nhiều thế hệ; họ cãi lộn om sòm và đánh nhau, giết nhau nơi công cộng. Sự ngu xuẩn của hai gia đình này khiến cho Hoàng tử Escalus cai trị thành phố tức giận, ông ta đã ra một đạo luật ngăn cấm việc gây lộn ngoài đường phố, theo đó kẻ phạm pháp sẽ bị tử hình. Hai gia đình Montague và Capulet đành phải phục tùng luật lệ nhưng mối thù vẫn chồng chất trong lòng chỉ chực bùng lên.

Con trai Roméo của gia đình Montague tuy không dính dáng vào các vụ tranh chấp, nhưng đang rất buồn rầu do thất tình: chàng đang yêu Rosaline mà nàng thì chẳng đáp lại mối tình này. Để làm cho Roméo vui, một người bạn của Roméo và cũng là người trong họ tên là Benvolio đã đề nghị hai người cải trang và bí mật tham dự buổi dạ hội của gia đình Capulet, nơi mà nàng Rosaline cũng sẽ tới. Và Benvolio còn hứa rằng sẽ tìm cho Roméo một cô gái đẹp, xuất sắc hơn Rosaline. Tuy Roméo có thoáng băn khoăn, nhưng rồi hai người đã cùng người bạn thứ ba là Mercutio cải trang đến dự dạ hội.

Tối hôm đó, gia đình Capulet tổ chức dạ hội lớn vì Bá tước Paris - một nhân vật độc thân sáng giá nhất của Thành Verona - sẽ tới hỏi Hầu tước Capulet để xin kết hôn với cô con gái duy nhất là Juliet. Gia đình Capulet nói rằng Juliet mới 13 tuổi, còn quá nhỏ để lấy chồng. Song dù sao, Hầu Tước Capulet cũng dặn con gái phải làm vui lòng Bá tước Paris lúc khiêu vũ.

Vào dạ hội, Juliet và Roméo đã gặp nhau. Tiếng sét ái tình khiến cả hai đã yêu nhau say đắm; cảParis và Rosaline đều bị bỏ quên. Cuối buổi dạ hội, cả hai người đều tránh xa các bạn bè ồn ào và tìm chỗ vắng để ôn lại những điều vừa xảy ra. Romeo ẩn mình dưới một tán cây thì không ngờ địa điểm này lại nằm ngay dưới cửa sổ căn phòng của Juliet. Chàng nghe tiếng Juliet cũng đang tự trò chuyện với mình về những điều mới diễn ra. Roméo không kìm nổi, đã trèo lên ban-công. Rồi trên ban công thơ mộng, hai người đã thề thốt yêu nhau và quyết định bí mật kết hôn.

Cha Lawrence là cha xưng tội của Roméo, rất lo lắng về tình yêu say đắm của đôi trẻ nhưng cuối cùng cũng đồng ý sẽ làm lễ cưới cho hai người với hy vọng rằng cuộc hôn nhân này sẽ chấm dứt mối hận thù lâu đời giữa hai gia đình.

Nhưng mọi người không biết rằng trong đêm dạ hội, một người bà con của Juliet tên là Tybalt đã nhận ra Roméo. Tybalt là người nóng tính, anh ta cho rằng việc một người thuộc gia đình Montague không được mời mà vẫn đến dự dạ hội là một điều xỉ nhục, nên thề sẽ trả thù. Khi gặp Roméo cùng đi với Mercutio và Benvolio, Tybalt đã gọi Roméo là tên đểu giả và thách đấu gươm, nhưng Roméo đã từ chối, anh gọi Tybalt là “người anh em bà con” và thề rằng đã yêu danh tiếng của gia đình Capulet như thanh danh của chính gia đình mình. Hai bạn của Roméo đều bất bình và anh chàng nóng tính Mercutio đã nhận sự thách đố. Khi Roméo xông tới ngăn cản cuộc đấu gươm thì Tybalt đã đâm chết Mercutio.

Roméo cảm thấy có tội về biến cố mới xẩy ra, lại giận dữ vì cái chết của người bạn thân, nên đuổi theo Tybalt. Một trận đấu gươm sinh tử đã diễn ra và Roméo đánh thắng. Chỉ sau khi Tybalt đã chết, Roméo mới nhận ra sự liều lĩnh của mình nên tìm cách lẩn trốn.

Trong khi Juliet đang rất phấn khởi chuẩn bị cho đám cưới trong nhà thờ sắp tới thì được bà vú báo tin xấu: người anh họ Tybalt đã bị Roméo giết chết và Hoàng tử Escalus đã cấm không cho Roméo được lai vãng trong thành Verona. Bà vú cũng cho Juliet biết Roméo hiện nay đang trốn trong tu viện của Cha Lawrence. Juliet lại vui mừng vì sẽ có được một buổi tối yêu thương với Roméo trước khi chàng trốn khỏi Verona.

Trong khi đó, cha Juliet là Hầu tước Capulet do đau buồn vì cái chết của Tybalt nên cho rằng sẽ làm cho mọi người trong gia đình vui lên khi sắp đặt đám cưới của Juliet lấy Bá Tước Paris. Ngay cả bà vú nuôi cũng khuyên cô nên lập gia đình với Bá Tước Paris. Không còn biết trông cậy vào ai, Juliet đành chạy đến nhờ vả Cha Lawrence.

Cha Lawrence chỉ còn một phương án rất mạo hiểm. Cha cho Juliet một liều thuốc uống vào sẽ khiến cho nàng lâm thời tắt thở trong 42 giờ; trong khoảng thời gian này, Cha Lawrence sẽ cho người đi Mantua tìm kiếm Roméo để rồi sẽ đưa Roméo tới nhà mồ chờ Juliet sống lại sau khi liều thuốc hết hiệu lực. Roméo sẽ mang nàng đi xa và Cha Lawrence sẽ an ủi mọi người, sẽ công bố cuộc hôn nhân của đôi trẻ để họ có thể trở lại vui sống tại Verona. Juliet đồng ý uống liều thuốc.

Sáng hôm sau, khi bà vú nuôi tới chuẩn bị cho Juliet mặc thử áo cưới thì thấy nàng đã chết. Niềm vui của gia đình Capulet đổi ra nỗi buồn vô hạn bởi vì đám cưới của cô con gái duy nhất, nay trở thành một đám tang.

Trong khi đó, những ngẫu nhiên không lường trước được đã làm hỏng mọi kết hoạch hoàn hảo của Cha Lawrence: Cha Lawrence gửi một người đi tìm Roméo thì người này đã bị phong tỏa giữa đường vì bệnh dịch. Đồng thời, người hầu của Roméo lại kịp báo tin cho Roméo biết rằng Juliet đã chết. Vô cùng buồn bã, Roméo bèn đi tìm mua thuốc độc và cấp tốc tới ngôi nhà mồ của gia đình Capulet để tìm Juliet. Tới nơi, Roméo thấy Bá tước Paris đang than khóc cạnh xác Juliet; hai người đã đánh nhau và cuối cùng Roméo đã giết chết Bá tước Paris. Trong nhà mồ, Roméo thề sẽ sống bên người yêu mãi mãi và đã tắt thở sau khi uống liều thuốc độc.

Khi Cha Lawrence tới nhà mồ thì đã thấy Paris và Roméo nằm chết bên Juliet. Cha đã bỏ chạy vì quá sợ hãi. Tỉnh dậy, Juliet nhìn thấy người yêu đã chết rồi, nàng dùng con dao găm của Roméo để tự sát.

Với cái chết bi thương của đôi trẻ, hai gia đình đã đoàn kết lại trong nỗi sầu muộn. Hòa bình cho hai gia đình đã phải trả bằng cái giá quá đắt của tình yêu và cái chết.

Giới thiệu tóm tắt các cảnh trong phim "Romeo và Juliet” (bản năm 1968 của đạo diễn Franco Zeffirelli) trên nền một bài hát trong phim:

Nguồn gốc

Cũng như Nguyễn Du với Truyện Kiều, câu chuyện truyền thuyết về Roméo và Juliet không phải do William Shakespeare sáng tạo ra. Từ hơn một thế kỷ trước, vào năm 1476, tác giả người Ý là Masuccio Salernitano đã kể trong cuốn sách nhan đề “Il Novellino” về một mối tình vụng trộm, những vụ giết người, việc đi đầy biệt xứ, việc một nhà tu hành sẵn lòng giúp đỡ cho đám cưới của đôi trẻ thuộc hai gia đình thù nghịch. Năm 1530, Luigi da Porta cũng kể lại câu chuyện tình kết thúc bằng việc đôi tình nhân tự sát này với địa điểm diễn ra câu chuyện là thành phố Verona.

Tới năm 1562, nhà thơ Anh là Arthur Brooke đã dùng đề tài này trong tập thơ dài “The Tragical Historye of Romeus and Julius” (Câu chuyện bi thảm của Romeus và Julius), nói về một một tình yêu vụng trộm, không vâng lời cha mẹ và bất tuân luật pháp. Ngôn ngữ trong tập thơ khô khan và thiếu hấp dẫn.

Tới vở kịch “Roméo và Juliet” của William Shakespeare, Juliet được miêu tả như một thiếu nữ đang trở thành phụ nữ. Theo cốt truyện Ý, Juliet 18 tuổi; trong tập thơ của Arthur Brooke, Juliet 16; nhưng đến vở kịch của Shakespeare, Juliet chỉ mới 13 tuổi. Juliet rất đẹp, cái đẹp thánh thiện, thơ ngây và nhiều hy vọng, khiến cho Roméo đã bị hớp mất hồn ngay lúc mới gặp nàng. Rồi đến khi nằm trong nhà mồ, Roméo ngắm nhìn thi thể của Juliet đã phải than rằng: “Tử Thần đã hút đi mật ngọt trong hơi thở, nhưng bất lực trước sắc đẹp của em!”.

Juliet là một con người thực tế trong khi Roméo thuộc loại người lãng mạn. Trên ban-công thơ mộng, trong khi Roméo thốt ra các lời yêu đương thì Juliet nói tới hôn nhân, bàn về lần gặp nhau sắp tới và nghĩ cách thông tin cho nhau. Lớn lên bên cạnh bà vú nuôi và mẹ, Juliet đã đã muốn chiều lòng gia đình trong cuộc hôn nhân, nhưng nàng đã suy nghĩ và hành động cho chính mình khi gặp Roméo. Nàng tin rằng tình yêu có thể giúp cho con người vượt qua được mọi trở ngại. Tình yêu đã khiến Juliet trở thành một phụ nữ trẻ dám chịu trách nhiệm về cuộc đời của chính mình.

Romeo là một thanh niên lương thiện, tốt bụng, lịch sự, đẹp trai. Không chỉ các bạn như Mercutio, Benvolio, mà nhiều người khác như bà vú nuôi của Juliet và ngay cả Hầu tước Capulet cũng đã gọi chàng là “chàng trai đức hạnh và biết kiềm chế”. Cha Lawrence cũng rất yêu mến Roméo và cố gắng làm cho chàng hạnh phúc. Tới khi gặp Juliet, Romeo đã khám phá ra chính mình, và tình yêu đích thực đã làm cho lời nói của Roméo trở thành thơ! Thật là bi thương khi tình yêu trở thành sâu đậm, khi người ta phải tự sát vì yêu.

“Roméo và Juliet” là vở kịch chứa đựng rất nhiều bài thơ lãng mạn cũng như các bài Sonnet. Trong “Romeo và Juliet”, mỗi nhân vật nói bằng một thứ ngôn ngữ riêng, thể hiện rõ địa vị xã hội của từng người. Shakespeare đã dùng những thể văn khác nhau để mô tả ngôn ngữ gặp gỡ, yêu đương của những người trẻ tuổi; ngôn ngữ vui vẻ của bạn bè; ngôn ngữ thô tục của những người hầu. Shakespeare còn dùng thể văn kiểu Ý khi nói về các bậc cha mẹ ngăn cản những kẻ mới biết yêu, về các người hầu bình luận về tình dục.

Xem thêm: Ba Năm Yêu Bí Mật Của Quý Bình Và Bạn Gái Đại Gia, Quý Bình: Tin Tức, Hình Ảnh Mới Nhất Về Quy Binh

Đại Văn Hào William Shakespeare đã viết Bi kịch “Romeo và Juliet” vào năm 1596, vở kịch chính là một bức thông điệp về câu chuyện những hận thù, những xung đột xảy ra trong gia đình hoàng gia,từ Vua Henry-8, Nữ hoàng Mary Tudor, đến Nữ hoàng Elizabeth I, gây ra hàng ngàn vụ giết người, những cuộc chém giết đẫm máu giữa phái Cơ Đốc và phái Tin Lành.

Trích đoạn phim năm 1968 với bài hát “Một thời cho chúng ta” (A time for us,Leonardo trình bày):

Nghệ thuật

Qua ngòi bút của W. Shakespeare, Romeo và Juliet không chỉ trở thành vở kịch xuất sắc và nổi tiếng nhất của tác giả, được dàn dựng trên nhiều sân khấu, mà còn trở thành một trong những câu chuyện tình yêu nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại.

*

Từ đây, nó đã đi vào các lĩnh vực nghệ thuật khác.

Trong hội họa, đã có nhiều họa sĩ đề cập đến đề tài này.

*

Hình 2. Tranh “Romeo & Juliet” của họa sĩ Frank Dicksee (trái) và Ford Madox Brown (phải)

Trong điện ảnh, có hai bộ phim khá nổi tiếng: Bộ phim của đạo diễn Franco Zeffirelli sản xuất năm 1968 và phim của đạo diễn Baz Luhrmann sản xuất năm 1996.

*

Hình 3. Quảng cáo phim Romeo và Juliet của đạo diễn Franco Zeffirelli sản xuất năm 1968

Trong bộ phim ra mắt năm 1968 của đạo diễn Franco Zeffirelli, hai diễn viên chính vào vai Romeo và Juliet là Leonard Whiting và Olivia Hussey cùng ca khúc “Một thời cho mỗi chúng ta” đã gây ấn tượng rất mạnh.

“Một thời cho mỗi chúng ta” (A time for us) - thường được gọi một cách không chính xác thànhbài "Romeo và Juliet" - là bài hát được viết riêng cho bộ phim Romeo và Juliet, phần lời bài hát do Larry Kusik và Eddie Snyder soạn, còn phần nhạc do nhạc sĩ tài ba Nino Rota sáng tác. Ngay sau khi bộ phim ra mắt vào năm 1968, A time for us đã trở thành bài hát cửa miệng của giới trẻ.

Lời bài hát vang lên mượt mà, êm dịu và đầy tình cảm như chính nội dung tác phẩm điện ảnh: “Sẽ có một thời, một thời cho mỗi chúng ta, Khi lòng dũng cảm đưa đôi ta vượt qua rào cản. Hạnh phúc lại đến, tình yêu được giải thoát...”. “Với mặt trời tình yêu chiếu sáng, Chúng ta sẽ vượt qua mọi bão tố, mọi chông gai. Chúng ta sẽ dũng cảm bày tỏ tình yêu mà bấy lâu chúng ta hằng giữ kín. Và thế giới sẽ chứa chan niềm hy vọng, cho anh và em”. “Chẳng có gì là tất cả, bình dị và nhẹ nhàng, được sống vì tình yêu là điều hạnh phúc nhất”.

Bản nhạc “Một thời cho chúng ta” với phụ đề lời tiếng Ý và các cảnh trong phim 1968

Đây là lời tiếng Anh bài hát này:

A time for us someday there"ll beWhen chains are torn by courage bornOf a love that"s freeA time when dreams so long deniedCan flourishAs we unveil the love we now must hideA time for us at last to seeA life worthwhile for you and meAnd with our loveThrough tears and thornsWe will endure as we pass surely through every stormA time for us someday there"ll beA new worldA world of shining hope for you and meFor you and meAnd with our loveThrough tears and thornsWe will endure as we pass surely through every stormA time for us someday there"ll beA new worldA world of shining hope for you and meA world of shining hope for you and me.

Khi được nhạc sĩ Henry Mancini chuyển thể thành bản nhạc không lời sau đó không lâu,A time for usđã trở thành bản nhạc số một trong các bảng xếp hạng âm nhạc của thế giới suốt một thời.

*

Hình 4. Quảng cáo phim Romeo và Juliet của đạo diễn Baz Luhrmann sản xuất năm 1996

Một cuộc nghiên cứu thử nghiệm gần đây của trang web Lovefilm.com với 1.000 người tình nguyện, gồm cả hai giới với số lượng cân bằng. Các tình nguyện viên được cho xem các trích đoạn tình cảm tiêu biểu từ nhiều bộ phim, mỗi trích đoạn dài khoảng 10 phút. Trong khi xem, mỗi người đều được đặt máy đo nhịp tim và huyết áp. Kết quả cho thấy trích đoạn phim lấy được nhiều nước mắt thương cảm của khán giả nhất (có gần 20% tăng nhịp tim khi xem) là cảnh Romeo và Juliet chết theo nhau trong bộ phim của đạo diễn Baz Luhrmann sản xuất năm 1996, với sự tham gia của cặp diễn viên Leonardo DiCaprio và Claire Danes.

Romeo và Juliet "kiểu Việt Nam"

Tháng tư 2006, Cặp vợ chồng đạo diễn người Mỹ Mark Woollett và Candace Clift, là những thành viên của “Hội Shakespeare & Company”, có nhà hát riêng tại Lenox (bang Massachusetts), sau khi đã dựng thành công rất nhiều tác phẩm của Shakespeare trên sân khấu Mỹ, đã sang VN dàn dựng vở kịch Romeo và Juliet với sự tham gia của các sinh viên của Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM.

Ở Mỹ, hai ông bà đã dựng kịch Romeo và Juliet của W. Shakespeare đúng với nguyên tác theo lối kịch cổ điển của thế kỷ XVI, nhưng sang Việt Nam, hai ông bà lại muốn đi theo lối kịch viễn tưởng mang tính thể nghiệm bất ngờ trong cách dàn dựng, với Romeo và Juliet hoàn toàn Việt Nam hóa.

*

Hính 5. Vợ chồng đạo diễn Mark Woollett - Candace Clift (trái) và cảnh kịch Romeo và Juliet trên sân khấu kịch Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM tháng 5-2006

Phông sân khấu là một chiếc áo dài Việt cổ truyền được căng ra. Mở đầu, Romeo mặc quần jean, áo pull phóng xe máy rất điệu nghệ từ ngoài... đường vào sân trường – tức cổng nhà hát. Cuộc ẩu đả giữa các băng nhóm trẻ của hai nhà Montague và Capulet xảy ra tại đây. Các khán giả đang đứng xem xung quanh tự nhiên được lôi ngay vào kịch, trong vai... đám đông tò mò trước cảnh ẩu đả.

Khi vào hồi hai của kịch với buổi yến tiệc của nhà Capulet, nhân vật Peter (người hầu nhà Capulet) đã lôi kéo khán giả rất tự nhiên: “Mời các anh các chị lên trên lầu dự tiệc nào!” (trên lầu là khán phòng của nhà hát Thế Giới Trẻ). Màn di chuyển sân khấu khá độc đáo ấy đã để lại ấn tượng thú vị nơi khán giả, không chỉ là chuyển đổi cảnh diễn mà còn chuyển đổi luôn không gian tiếp nhận của người xem.

Với ý tưởng về một sự vô định của không gian và thời gian, hai đạo diễn Mỹ đã “tung hoành” với những điều có vẻ rất vô lý: Romeo chạy xe tay ga đời mới nhưng lại chiến đấu bằng kiếm trên nền nhạc disco; buổi khiêu vũ ở nhà Capulet quí tộc của nước Ý với những điệu múa cung đình Huế; những công tử, tiểu thư của thành Verona ăn mặc rất hợp mốt Hàn Quốc thời nay; những bá tước, hầu tước Ý thì chỉnh tề khăn đóng áo dài, còn vị chủ thành đáng kính thì lộng lẫy trong trang phục một diễn viên cải lương...

Ban công nhà Juliet ngày nay

Ở thành phố Verona nước Ý, theo truyền thuyết là nơi xảy ra câu chuyện tình lãng mạn đẫm nước mắt của Romeo và Juliet, có một ngôi nhà với chiếc ban công được xem là nơi đôi tình nhân đã lén lút gặp nhau trong đêm, và do vậy, ngôi nhà cùng chiếc ban công đã trở thành một địa đểm du lịch huyền thoại.

Ngôi nhà ở địa chỉ Via Cappello 23, Verona, được xây dựng từ thế kỷ XII, từng thuộc quyền sở hữu trong một thời gian dài của gia đình Dal Cappello. Trong quan niệm của nhiều người Ý, Cappello chính là dòng họ nổi tiếng Capuleti của nàng Juliet. Ngôi nhà đã được phục chế trong 4 năm trước Thế Chiến thứ hai (từ 1936 đến 1940) dành cho khách du lịch tham quan.

*

Hình 6. Tượng Juliet trong sân Bản tàng (trái) và bức tường với những thông điệp tình yêu (phải)

Trong sân nhà có bức tượng đồng nàng Juliet. Theo truyền thống, khi đến đây, việc trước tiên của khách tham quan là gõ lên ngực phải của bức tượng đồng Juliet để cầu may mắn. Sau đó để lại những mẩu giấy với những lời yêu đương nồng nàn, những hình trái tim, mũi tên và chữ cái lồng vào nhau trên bức tường của nhà nàng và trên các cánh cửa gỗ làm theo lối Gotic. Truyền thống viết thư tình này có từ năm 1937, khi bức thư đầu tiên gửi tới cho Juliet được tìm thấy trong mộ của nàng. Sau một thời gian, các mẩu giấy tình yêu đã được dán kín khắp mọi nơi, giữa các lá cây và cành cây bụi, trên tường, trên cửa lớn, cửa sổ và lên gần tới cả chiếc ban công truyền thuyết. Cứ khoảng 2-3 năm một lần, gần đến ngày Tình yêu (Valentine), các nhân viên bảo tàng lại phải bỏ nhiều ngày làm tổng vệ sinh, cạo sạch hàng nghìn mẩu giấy khỏi các bức tường.

*

Hình 7. Sân bảo tàng với ban công nhà Juliet (toàn cảnh)

Bên trong ngôi nhà là một viện bảo tàng nhỏ. Các vật dụng trong nhà hầu hết đều thuộc thế kỷ 16-17, bên cạnh đó còn có những bức họa trên tường và vài bức tranh vẽ đều liên quan đến câu chuyện của Williams Shakespeare, cũng như những đồ gốm thời kỳ phục hưng ở Verona.

Thực tế, tình yêu có trong trái tim mỗi người đã làm cho căn nhà với cái ban công truyền thuyết trở thành nơi hành hương của những người yêu nhau trên khắp thế giới, là một trong những điểm thu hút nhiều khách tham quan nhất ở nước Ý.

Tài liệu tham khảo:

1.Romeo và Juliet. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

2.Phạm Văn Tuấn.Romeo và Juliet – Shakespeare.http://vietsciences.free.fr/timhieu/vanchuong/shakespeare_romeovajuliet.htm

3."A time for us" - Một thời cho mỗi chúng ta.http://vietbao.vn/Van-hoa/A-time-for-us-Mot-thoi-cho-moi-chung-ta/75173305/181/

4.Lời ca khúc "A Time For Us".http://vietbao.vn/Van-hoa/Loi-ca-khuc-A-Time-For-Us/10723146/107/

5.Phim "Romeo và Juliet" gây xúc động nhất.http://www.vnexpress.net/GL/Van-hoa/2008/02/3B9FF405/

6.Ban công Romeo và Juliet.http://vietbao.vn/The-gioi-giai-tri/Ban-cong-Romeo-va-Juliet/50764979/419/

7.Cạo sạch các bức thư tình khỏi tường nhà Juliet.http://vietbao.vn/Khoa-hoc/Cao-sach-cac-buc-thu-tinh-khoi-tuong-nha-Juliet/11042799/188/

8.Romeo và Juliet "kiểu Việt Nam".http://vietbao.vn/Van-hoa/Romeo-va-Juliet-kieu-Viet-Nam/40132717/183/

9.XemRomeo và Juliet: Phiêu diêu với cái lạ.http://vietbao.vn/Van-hoa/Xem-Romeo-va-Juliet-Phieu-dieu-voi-cai-la/40140487/183/